T4, 05 / 2020 5:09 chiều | mylinh

Ngày nay, sự phát triển về kinh tế, nhận thức, con người ngày càng quan tâm đến lợi ích, những sản phẩm trí tuệ do mình tạo ra. Lợi ích mà các sản phẩm trí tuệ mang lại ngày càng cao và sáng chế chính là một trong các sản phẩm trí tuệ do con người tạo ra. Do đó, để bảo vệ sáng chế của mình và lợi ích sáng chế mang lại thì cần phải đăng ký sáng chế. Đăng ký sáng chế là thủ tục để chủ sở hữu đăng ký bảo hộ dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tư nhiên.

Vậy thủ tục để đăng ký bảo hộ sáng chế như thế nào, sau đây bài viết sẽ giới thiệu cho bạn một cách khái quát nhất về thủ tục này.

1.Sáng chế là gì?

Hiểu theo nghĩa thông thường, chúng ta có thể hiểu sáng chế là một sản phẩm, một quy trình do con người sáng tạo ra.

Theo Điều 4 Luật SHTT 2005, Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc một quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc áp dụng các quy luật tự nhiên.

Sáng chế có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

  • Sản phẩm:

– Sản phẩm dưới dạng vật thể.

Ví dụ: dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người.

– Sản phẩm dưới dạng chất (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất).

Ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người.

– Sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học.

Ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo.

  • Quy trình hay phương pháp (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý,…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.

2. Điều kiện bảo hộ sáng chế

Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

  • Sáng chế được cấp Bằng độc quyền sáng chế khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có tính mới;

– Có trình độ sáng tạo;

– Có khả năng áp dụng công nghiệp.

  • Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Có tính mới;

– Không phải là hiểu biết thông thường;

– Có khả năng áp dụng công nghiệp.

a. Tính mới của sáng chế

Điều kiện này được quy định cụ thể tại Điều 60 Luật SHTT 2005, theo đó:

  • Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
  • Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.
  • Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

– Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật SHTT;

– Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật SHTT công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

– Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật SHTT trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

b. Trình độ sáng tạo của sáng chế

  • Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
  • Sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

c. Khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.

Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

3Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế

Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế được quy định trong Điều 59 Luật SHTT. Cụ thể là:

  • Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
  • Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
  • Cách thức thể hiện thông tin;
  • Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
  • Giống thực vật, giống động vật;
  • Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
  • Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

4. Trình tư, thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế

Để bảo vệ cho các chủ thể tạo ra sáng chế, Pháp luật quy định chỉ những người sau đây mới có quyền đăng ký bảo hộ sáng chế:

  • Tác giả sáng tạo sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới các hình thức giao việc, thuê việc (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với các quy định của pháp luật);
  • Đối với các đối tượng xin bảo hộ do nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau sáng tạo ra hoặc đầu tư để sáng tạo thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký, tuy nhiên quyền đăng ký chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đồng ý;
  • Sáng chế được bảo hộ trong trường hợp được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách Nhà nước;

a. Chuẩn bị hồ sơ

  • 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, đánh máy theo mẫu số 01-SC Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
  • 02 Bản mô tả sáng chế/ giải pháp hữu ích: Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích phải đáp ứng quy định tại điểm 23.6 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN. Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích gồm có Phần mô tả, Yêu cầu bảo hộ và Hình vẽ (nếu có).

     – Phần mô tả phải được trình bày đầy đủ, rõ ràng bản chất của sáng chế theo các nội dung sau:

+ Tên sáng chế/giải pháp hữu ích;

+ Lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;

+ Tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;

+ Bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích;

+ Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);

+ Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;

+ Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;

+ Những lợi ích (hiệu quả) có  thể đạt được.

 Yêu cầu bảo hộ được tách thành riêng sau phần mô tả, yêu cầu bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Yêu cầu bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu được bảo hộ.

– Hình vẽ, sơ đồ (nếu có): được tách thành trang riêng.

  • 02 Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích. Tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích không được vượt quá 150 từ và phải được tách thành trang riêng. Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích không bắt buộc phải nộp tại thời điểm nộp đơn và người nộp đơn có thể bổ sung sau;
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.
  • Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
  • Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);
  • Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

b. Nộp hồ sơ

Có hai hình thức nộp hồ sơ là nộp trực tiếp hoặc nộp trực tuyến trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ

  • Nộp trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng hoặc có thể gửi qua bưu điện (Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó photo Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ)
  • Nôp trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN. Người nộp đơn cần thực hiện việc nhập dữ liệu và gửi bản scan hoặc hình ảnh rõ nét của Đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ. Sau khi hoàn thành Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để  xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định.

Thời hạn giải quyết:

  • Thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày Cục sở hữu trí tuệ nhận đơn.
  • Công bố đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:

– Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;

– Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;

– Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.

  • Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.

Quý vị hãy liên hệ ngay với Tư vấn Blue chúng tôi khi có nhu cầu tư vấn về các vấn đề công ty nói chung cũng như thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế nói riêng để được tư vấn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục