T3, 04 / 2020 10:02 sáng | mylinh

Việc bảo hộ nhãn hiệu rất quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, cho phép chống lại việc sản xuất và buôn bán hàng giả, tránh cho người tiêu dùng không bị lừa dối. Tuy nhiên, để xây dựng được một nhãn hiệu đáp ứng được mục đích kinh doanh của doanh nghiệp và đáp ứng được những quy định về điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu lại không phải dễ dàng. Việc bảo hộ một nhãn hiệu có thành công hay không trước hết nhãn hiệu đó phải đáp ứng được các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Bài viết sau đây sẽ giúp quý vị rõ hơn các điều kiện mà pháp luật quy định để một nhãn hiệu được bảo hộ.

1.Tiêu chí bảo hộ đối với nhãn hiệu

Theo Điều 72 Luật SHTT, để có thể được bảo hộ, nhãn hiệu phải đáp ứng các điều kiện sau:

“1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

  1. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.”

Theo đó, nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ phải đồng thời đáp ứng được hai tiêu chí sau:

Thứ nhất, Nhãn hiệu phải hội tụ đủ hai yếu tố: Các dấu hiệu có thể nhìn thấy, có thể tri giác được.

Các dấu hiệu cụ thể được xem xét là nhãn hiệu được tồn tại dưới dạng chữ cái, từ, ngữ,hình ảnh, hình vẽ, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc.

  • Theo pháp luật Việt Nam, đặc điểm thứ nhất của nhãn hiệu là dấu hiệu có thể nhìn thấy được, có nghĩa là còn người chỉ có thể nhận thức được, tri giác được qua thị giác. Người tiêu dùng có thể phân biệt được, lựa chọn được hàng hóa, dịch vụ mình mong muốn thông qua việc quan sát, nhìn ra nhãn hiệu gắn với sản phẩm đó. Pháp luật một số nước trên thế giới việc bảo hộ nhãn hiệu được áp dụng đối với cả cá dấu hiệu như là âm thanh, mùi hương hay là hàng hóa chỉ đơn thuần được thể hiện thông qua một màu sắc nhất định.
  • Nhãn hiệu có thể thông qua các dấu hiệu chữ cái, từ, ngữ; hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc kết hợp của các yếu tố chữ cái, từ, ngữ và các dấu hiệu hình, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc.

+ Khi nhãn hiệu là chữ. Cần lưu ý phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu. Nhiều doanh nghiệp thường lấy tên thương mại dùng làm nhãn hiệu.

Ví dụ: Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, có tên giao dịch là Công ty Vinamilk, và công ty cũng đã đăng ký VINAMILK là nhãn hiệu của mình.

Như vậy, Như vậy, khi xác định từ ngữ là dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu không nhất thiết phải bó hẹp trong khái niệm “từ ngữ” trong từ điển Tiếng Việt đã chỉ ra, mà chỉ cần là các chữ cái, chuỗi chữ cái có thể phát âm được và đạt được khả năng phân biệt thì nhãn hiệu đó vẫn được bảo hộ.

Dấu hiệu từ ngữ được dùng làm nhãn hiệu bao gồm tên công ty, tên địa danh, họ, tên, khẩu hiệu hay các từ bất kỳ hoặc chuỗi từ bất kỳ do chủ nhãn hiệu sáng tạo ra. Tên gọi, tên công ty là một dấu hiệu có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu. Đây chính là sự kết hợp của các chữ cái được ghép lại với nhau tạo thành từ có nghĩa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tên gọi, tên công ty chỉ được sử dụng làm nhãn hiệu, khi bản thân nó đạt được tính phân biệt giữa tên gọi này với tên gọi khác khi gắn liền với hàng hóa, dịch vụ cụ thể.

+ Dấu hiệu hình vẽ Theo từ điển Tiếng Việt, hình vẽ được hiểu là tập hợp các đường nét, mảng màu theo những nguyên tắc hội họa nhất định trên mặt phẳng, phản ánh hình dạng một vật thể nào đó trong tự nhiên.

Đây là loại dấu hiệu bao gồm các hình vẽ trang trí, các nét vẽ, biểu tượng hoặc hình họa hai chiều của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa. Các hình vẽ, biểu tượng có tính phân biệt đều có khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bản thân dấu hiệu phải được trình bày một cách đặc biệt, ấn tượng tạo ra được sự phân biệt và gây ấn tượng đối với người tiêu dùng. Ví dụ: APPLE .

+ Dấu hiệu hình ảnh, hình ảnh ba chiều Theo từ điển Tiếng Việt, hình ảnh là hình người, vật, cảnh tượng thu được bằng khí cụ quang học (như máy ảnh) hoặc để lại ấn tượng nhất định và tái hiện được trong trí nhớ.

Dấu hiệu hình ảnh là cả dấu hiệu hai chiều và ba chiều. Dấu hiệu hình ảnh ba chiều là loại dấu hiệu hình khối có khả năng được sử dụng làm nhãn hiệu, dạng điển hình nhất của dấu hiệu này là hình dáng hàng hóa hoặc hình dáng bao bì. Pháp luật Việt Nam lần đầu tiên quy định cụ thể về hình ảnh ba chiều được sử dụng làm nhãn hiệu.

+ Dấu hiệu kết hợp cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Dấu hiệu kết hợp là sự kết hợp của hai hay nhiều dấu hiệu, kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình, theo đó pháp luật bảo hộ cho đồng thời cả hai dấu hiệu. Sự kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình tạo thành một tổng thể độc đáo, dễ nhận biết và có khả năng phân biệt như: Nhãn hiệu kinh đô với biểu tượng cái vương miện màu đỏ…. Các dấu hiệu trên có thể được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Theo quy định này màu sắc chỉ được coi là phương thức thể hiện của nhãn hiệu.

Thứ hai, nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt được.

Theo khoản 1 Điều 74 Luật SHTT thì: “Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.

Nhãn hiệu dễ phân biệt là nhãn hiệu bao gầm các yếu tố đủ để tác động vòa nhân thức, tạo nên ấn tượng có khả năng lưu trữ trong trí nhớ hay tiềm thức con người. Khi tiếp xúc với nhãn hiệu đó, bất kì ai cũng có thể nhận ra và phân biệt được chúng với các nhãn hiệu khác.

Tuy nhiên, từ những quy định chi tiết trong Luật SHTT có thể thấy rằng những dấu hiệu loại này là những dấu hiệu thông dụng mà người tiêu dùng Việt Nam với những trình độ hiểu biết thông thường cũng có thể nhận biết và ghi nhớ được. Pháp luật Việt Nam mặc dù không giải thích cụ thể khả năng phân biệt của nhãn hiệu nhưng đã đưa ra các yêu cầu chung nhất để một nhãn hiệu có khả năng phân biệt bằng cách liệt kê các trường hợp mà nhãn hiệu không có khả năng phân biệt tại Khoản 2 Điều 74 Luật SHTT.

–   Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu. Ví dụ: Bia 333,..

–  Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến. Ví dụ: năm vòng tròn lồng vào nhau là biểu tượng của thế vận hội thể thao,…

–  Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;

–   Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;

–   Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Ví dụ: kẹo dừa Bến Tre…

–   Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

–   Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;

–   Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định;

–   Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;

–   Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

–   Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá;

–   Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;

–   Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.

2. Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu.

Luật sở hữu trí tuệ quy định các dấu hiệu bị loại trừ khi xem xét để cấp bằng bảo hộ tại Điều 73, các dấu hiệu sau đâu không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu.

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép. Ví dụ: tên viết tắt của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
  • Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

Trên đây là các điều kiện để bảo hộ một nhãn hiệu mà chúng tôi đã phân tích được từ các quy định của pháp luật. Nếu có vấn đề gì còn thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp một cách nhanh chóng, miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục