T6, 04 / 2020 3:00 chiều | mylinh

Hiện nay, nhu cầu mở công ty tại Việt Nam rất cao. Một ngày có hàng trăm công ty mới được thành lập. Sở dĩ vậy là vì khi thành lập công ty, quyền lợi của các nhà kinh doanh được pháp luật bảo hộ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Vậy để thành lập được một công ty thì cần phải có những điều kiện như thế nào? Bài viết sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn những điều cần thiết để trước khi thành lập công ty.

Trước khi thành lập công ty bạn cần phải chuẩn bị những thông tin cơ bản sau:

Thứ nhất, Tên công ty

Theo quy định của Luật Doanh Nghiệp, tên của doanh nghiệp phải bao gồm: Tên loại hình doanh nghiệp và tên riêng của công ty. Nếu công ty cổ phần thì bắt đầu bằng “Công ty cổ phần” hoặc “Công ty CP”, công ty trách nhiệm hữu hạn thì bắt đầu bằng “Công ty TNHH” hoặc “Công ty trách nhiệm hữu hạn”, Công ty hợp danh thì bắt đầu bằng “Công ty hợp danh” còn Doanh nghiệp tư nhân thì bắt đầu bằng “Doanh nghiệp tư nhân” hoặc “DNTN” và theo sau đó là tên riêng của công ty bạn. Tên riêng là tên mà bạn muốn đặt, phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F,J,Z,W, chữ số và ký hiệu.

Ví dụ: Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Minh Long

Thứ hai, Địa chỉ trụ sở của công ty

Địa chỉ của công ty là nơi công ty đặt trụ sở, phải là địa chỉ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của công ty.

Địa chỉ của công ty không được ở các khu tập thể, nhà chung cư (trừ trường hợp tòa nhà có chức năng làm văn phòng).

Trong hồ sơ thì địa chỉ phải cụ thế đến số nhà/đường/xã/huyện/tỉnh/thành phố.

Thứ ba, Ngành nghề kinh doanh

Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, bạn phải ghi rõ ngành nghề kinh doanh của mình theo mã ngành Cấp 4 được quy định tại Phụ lục I Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Và trong các ngành nghề đăng ký, bạn phải chọn một ngành chính cho doanh nghiệp mình.

Tuy nhiên, có một số ngành nghề thuộc nhóm ngành nghề có điều kiện (Phụ lục IV Luật đầu tư), do đó khi muốn kinh doanh những ngành nghề này, bạn phải có đủ điều kiện, giấy phép, chứng chỉ theo quy định mới được phép kinh doanh.

Pháp luật không quy định giới hạn số lượng ngành nghề mà doanh nghiệp được đăng ký. Nên khi chuẩn bị thành lập, bạn cần nghiên cứu kỹ những ngành nghề mà mình sẽ kinh doanh và có ý định kinh doanh trong tương lai để có thể đăng ký một lần. Vì sau khi đăng ký bạn muốn bổ sung, thay đổi ngành nghề thì lại phải mất thêm một lần làm hồ sơ để đăng ký thay đổi nữa.

Thứ tư, Vốn điều lệ

Khi thành lập công ty, bạn phải đăng ký một mức vốn nhất định, để đảm bảo chịu trách nhiệm với số vốn đăng ký.

Pháp luật không quy định giới hạn cũng như mức vốn tối thiểu để thành lập công ty. Tuy nhiên đối một số ngành nghề thì có quy định mức vốn tối thiểu. Ví dụ như hoạt động kinh doanh Bất động sản, luật quy định, số vốn tối thiểu phải từ 20 tỷ trở lên.

Một số lưu ý về vốn mà bạn nên biết:

  • Thời gian góp vốn mà luật quy đinh khi thành lập công ty

Theo quy định của pháp luật, các thành viên được góp và cam kết góp đủ số vốn đã đăng ký trong 90 ngày kể từ ngày có Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, các thành viên có quyền thỏa thuận thời gian góp vốn ngắn hơn thời hạn 90 ngày. Việc quy định thời gian góp vốn phải được ghi nhận trong điều lệ của công ty.

Trong thời hạn trên, nếu không góp đủ thì doanh nghiệp phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ hoặc các thành viên thỏa thuận góp lại đủ số vốn đó.

  • Tài sản góp vốn

Góp vốn vào công ty không nhất thiết phải bằng tiền mặt. Mà các thành viên có thể thỏa thuận với nhau tài sản góp vốn. Ví dụ như: Vàng, giấy tờ có giá, quyền sử dụng đất,…. Việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản, và phải thực hiện chuyển đổi sang tài sản của công ty theo quy định.

  • Tỷ lệ góp vốn

Tỷ lệ góp vốn này sẽ rất quan trọng nếu bạn muốn kiểm soát mọi công việc của công ty.

Trong công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, để thông qua một quyết định thông thường của công ty thì cần ít nhất 65% biểu quyết tán thành theo tỉ lệ vốn góp. Còn đối với các quyết định đặc biệt thì tỉ lệ này phải từ 75% trở lên. Do đó, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên thì nếu bạn có từ 65% tỷ lệ lệ vốn góp thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được công ty.

Còn đối với công ty cổ phần, với quyết định thường thì cần có 51% tổng số phiếu tán thành của các cổ đông dự họp, với quyết định đặc biệt thì cần đến 65% tổng số phiếu tán thành. Tuy nhiên, việc quy định tỷ lệ thông qua biểu quyết này có thể được quy định trong điều lệ của công ty. Trong trường hợp, bạn nắm 36% cổ phần thì bạn có quyền phủ quyết các quyết định quan trọng.

Thứ năm, bản sao hợp lệ giấy chứng thực cá nhân

Khi đăng ký thành lập, bạn phải chuẩn bị đầy đủ bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, của chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật với công ty TNHH một thành viên, của các thành viên góp vốn đối với công ty TNHH hai thành viên và các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh(CMND, Căn cước công dân, hộ chiếu….)

Thứ sáu, xác định người đại diện theo pháp luật của công ty

Theo quy định của pháp luật, mỗi doanh nghiệp cần phải có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tùy loại hình doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó có thể quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mình.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghịa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Do đó, nếu doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, khi xuất cảnh khỏi Việt Nam thì phải làm văn bản ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Và đương nhiên, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể là giám đốc, tổng giám đốc…

Trên đây là các điều kiện cần thiết cần chuẩn bị trước khi thành lập công ty mà Tư vấn Blue đã tổng hợp được. Việc thành lập công ty không quá phức tạp nếu bạn nắm rõ các quy định của pháp luật. Nếu bạn còn bất kỳ vướng mắc hay khó khăn trong quá trình thực hiện, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp nhanh chóng, hoàn toàn miễn phí.

 

Bài viết cùng chuyên mục