Kinh doanh du lịch bao gồm nhiều lĩnh vực như kinh doanh du lịch lữ hành, kinh doanh ăn uống, kinh doanh vận chuyển du lịch… Trong kinh doanh du lịch lữ hành cũng được chia làm 2 loại: lữ hành nội địa và lữ hành quốc tê. Tùy theo nhu cầu kinh doanh, doanh nghiệp sẽ đăng ký loại giấy phép khác nhau với thủ tục, hồ sơ khác nhau. Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn quý khách lựa chọn được loại hình kinh doanh phù hợp và thủ tục đăng ký tương ứng.
- Kinh doanh lữ hành là gì?
Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch (Khoản 9 Điều 3 Luật Du lịch 2017).
Theo quy định hiện nay, kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch phục vụ cho khách du lịch nội địa.
Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch phục vụ cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài.
Như vậy, tùy vào đối tượng phục vụ, quý doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức kinh doanh lữ hành phù hợp. Các hình thức kinh doanh lữ hành có những điều kiện khác nhau khi đăng ký cấp giấy phép mà quý khách cần lưu ý.
2, Kinh doanh lữ hành nội địa
2.1. Điều kiện
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (Doanh nghiệp có đang ký kinh doanh dịch vụ lữ hành)
- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa trong năm 2023 là 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng.
- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa
2.2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa;
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành 20.000.000 đồng
- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành đáp ứng yêu cầu.
Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch)
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
3.1. Điều kiện
Khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch 2017 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, như sau:
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
– Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;
– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
3.2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp*;
- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế;
- Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; hoặc bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác và bản sao có chứng thực chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch.