Theo quy định của pháp luật thì nhãn hiệu không được bảo hiệu vô thời hạn mà có thời hạn. Quy định tại khoản 6 điều 93 luật sở hữu trí tuệ hiện hành: Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có hiệu lực trong 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Có thể gia hạn những lần tiếp theo, mỗi lần gia hạn được 10 năm.
Do đó, trước khi hết thời hạn, cá nhân, doanh nghiệp muốn tiếp tục được bảo hộ nhãn hiệu thì phải làm thủ tục gia hạn bảo hộ. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến bạn các thủ tục để gia hạn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
1.Thời gian thực hiện thủ tục
Trước khi hết hiệu lực, trong vòng 6 tháng đến ngày hết hiệu lực, chủ văn bằng phải nộp đơn yêu cầu gia hạn đến Cục sở hữu trí tuệ.
Việc nộp đơn này có thể muộn hơn thời hạn quy định nhưng không được quá 6 tháng kể từ ngày hết hiệu lực bảo hộ văn bằng. Tuy nhiên, việc nộp muộn sẽ kéo theo chi phí nộp muộn. Theo đó, chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.
2. Hồ sơ gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ
- 02 bản tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, làm theo Mẫu 02-GH/DTVB theo quy định tại Phụ lục C của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ (trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ);
- Giấy ủy quyền (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện);
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
3. Cách thức nộp đơn
Chủ văn bằng bảo hộ, hoặc người được ủy quyền có thể nộp đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ qua bưu điện, người nộp cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó photo Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
4. Quy trình sau khi nộp hồ sơ
Cục Sở hữu trí tuệ xem xét đơn yêu cầu gia hạn trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đơn.
- Trường hợp đơn không có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định gia hạn, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ, đăng bạ và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
- Nếu đơn yêu cầu gia hạn thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối gia hạn và yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc người yêu cầu có ý kiến phản đối:
+ Đơn yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định;
+ Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ văn bằng bảo hộ tương ứng.
Nếu trong thời hạn 01 tháng, người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối gia hạn.
5. Phí, lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ.
Theo quy định tại các điểm 3.1 mục A, 1.6, 4.1,4.2, 5.1 mục B Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài hính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp thì phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cụ thể như sau:
– Lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 100.000đ/nhóm sản phẩm, dịch vụ (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu)
– Phí thẩm định yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 160.000đ/01 văn bằng bảo hộ;
– Phí công bố thông tin về sở hữu công nghiệp: 120.000đ/01 đơn gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ;
– Phí đăng bạ thông tin về sở hữu công nghiệp: 120.000đ/01 văn bằng bảo hộ;
– Phí sử dụng văn bằng bảo hộ: 700.000đ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ.
Trên đây là tất cả thông tin, thủ tục để gia hạn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, quý khách nếu có gì thắc mắc, hoặc có nhu cầu đăng ký bảo hộ, đăng ký gia hạn bảo hộ nhãn hiệu hãy liên hệ với Tư vấn Blue chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tốt nhất.