T5, 09 / 2023 3:47 chiều | minhanh

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Do vậy, sau đại dịch Covid, nhà nước đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm phục hồi ngành du lịch với nhiều chính sách  miễn giảm thuế phí cho doanh nghiệp và người dân, giúp phục hồi nhanh chóng ngành “công nghiệp không khói” hậu Covid-19. Kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ lữ hành đang ngày càng phát triển, ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh lĩnh vực này. Để tìm hiểu kỹ hơn về kinh doanh dịch vụ lữ hành, quý khách hãy tham khảo bài viết sau đây:

Kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Phú Quốc
  1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành là gì?

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Du lịch 2017:

Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.

Kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm: lữ hành nội địa và lữ hành quốc tế

  1. Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành

Căn cứ Điều 30 Luật du lịch 2017 về phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành:

Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành

Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.

Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

      3. Ai là người được phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành?

Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

Chuyên ngành về lữ hành bao gồm một trong các chuyên ngành theo quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL:

  • Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
  • Quản trị lữ hành;
  • Điều hành tour du lịch;
  • Marketing du lịch;
  • Du lịch;
  • Du lịch lữ hành;
  • Quản lý và kinh doanh du lịch;
  • Quản trị du lịch MICE;
  • Đại lý lữ hành;
  • Hướng dẫn du lịch;
  • Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực.
  • Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.

Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.

  • Chức danh của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành hành:

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL có quy định về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch như sau:

“Điều 3. Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành

Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.”

Như vậy, người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải là người giữ một trong các chức danh nêu trên trong công ty thì công ty mới có đủ điều kiện đăng ký Giấy phép lữ hành nội địa/quốc tế.

 

Bài viết cùng chuyên mục