T4, 06 / 2020 4:54 chiều | mylinh

Hợp tác xã là một mô hình tổ chức kinh tế phổ biến từ lâu và được khuyến khích phát triển ở Việt Nam, tồn tại song hành cùng với các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam.

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

1.Khái quát về Hợp tác xã

a. Đặc điểm

  • Hợp tác xã trước hết được xác định là một tổ chức kinh tế có tính tập thể. Bởi hợp tác xã được lập nên dưới sự tham gia của tập thể nhiều xã viên cùng tự nguyện hợp tác, tương trợ cùng nhau giải quyết các yêu cầu chung, mục đích chung trong việc sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế. Hợp tác xã cũng được xác định là sự thể hiện của hình thức kinh tế tập thể, sự sở hữu tập thể.
  • Hợp tác xã là tổ chức kinh tế vừa thể hiện tính kinh doanh vừa mang tính xã hội.

Mang tính xã hội, bởi bên cạnh việc cùng sản xuất và cùng kinh doanh, tạo ra thu nhập thì hợp tác xã còn tạo điều kiện cho tất cả các thành viên của mình cùng lao động sản xuất, đóng góp trên cơ sở tự nguyện và được hưởng lợi từ việc lao động của mình. Việc thành lập và phát triển của hợp tác xã không chỉ tạo ra việc làm cho thành viên, giảm được tình hình thất nghiệp của xã hội mà còn tạo điều kiện phát triển cho những cá nhân nhỏ lẻ, không đủ khả năng tự kinh doanh độc lập.

  • Hợp tác xã có số lượng thành viên tối thiểu là 07 thành viên.

Thành viên của hợp tác xã có thể là cá nhân, hộ gia đình, và cũng có thể là pháp nhân. Trong đó, nếu là cá nhân thì phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; nếu là hộ gia đình thì phải có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật.

  • Hợp tác xã có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn của mình.
  • Các thành viên của hợp tác xã tham gia hợp tác xã không chỉ trên tinh thần tự nguyện, cùng lao động sản xuất, cùng làm việc, cùng đầu tư mà còn trên cơ sở cùng phân phối và cam kết sử dụng hàng hóa, dịch vụ do chính hợp tác xã cung cấp. Trường hợp không sử dụng sản phẩm dịch vụ trong thời gian từ 03 năm trở lên hoặc không làm việc trong hợp tác xã từ 02 năm trở lên thì có thể bị mất tư cách thành viên. Điều này cũng cho thấy sự khác biệt đối với các hình thái kinh doanh khác.

b. Mô hình tổ chức của Hợp tác xã

Mô hình tổ chức Hợp tác xã gồm: Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc (Ban giám đốc), Ban kiểm soát.

  • Đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã.

Đại hội thành viên gồm đại hội thành viên thường niên và đại hội thành viên bất thường. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu.

Đại hội thành viên thường niên phải được họp trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính do hội đồng quản trị triệu tập.

Đại hội thành viên bất thường do hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc thành viên đại diện của ít nhất một phần ba tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên triệu tập theo quy định.

  • Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị hợp tác xã là cơ quan quản lý hợp tác xã do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín. Hội đồng quản trị gồm chủ tịch và thành viên, số lượng thành viên hội đồng quản trị do điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người.

Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị hợp tác xã do điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định nhưng tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.

Hội đồng quản trị hợp tác xã họp định kỳ theo quy định của điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần do chủ tịch hội đồng quản trị hoặc thành viên hội đồng quản trị được chủ tịch hội đồng quản trị ủy quyền triệu tập.

Hội đồng quản trị họp bất thường khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên hội đồng quản trị hoặc chủ tịch hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã.

  • Giám đốc 

Là người điều hành hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

  • Ban kiểm soát

Hợp tác xã có từ 30 thành viên trở lên phải bầu ban kiểm soát. Đối với hợp tác xã có dưới 30 thành viên việc thành lập ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do điều lệ quy định.

Ban kiểm soát, kiểm soát viên hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ.

Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên, đại diện hợp tác xã thành viên theo thể thức bỏ phiếu kín. Số lượng thành viên ban kiểm soát do đại hội thành viên quyết định nhưng không quá 07 người.

Nhiệm kỳ của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên theo nhiệm kỳ của hội đồng quản trị.

2. Thủ tục đăng ký thành lập hợp tác xã

a. Chuẩn bị hồ sơ

  • Giấy đề nghị đăng ký thành lập hợp tác xã (theo mẫu).
  • Điều lệ của hợp tác xã.
  • Phương án sản xuất kinh doanh.
  • Danh sách thành viên của hợp tác xã.
  • Danh sách các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên của hợp tác xã.
  • Nghị quyết của Hội nghị thành lập về những nội dung đã được biểu quyết thông qua trong hội nghị.

b. Nộp hồ sơ

Người đại diện hợp pháp hoặc người được ủy quyền của hợp tác xã dự định thành lập nộp hồ sơ thành lập hợp tác xã tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân huyện nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính; đối với trường hợp thành lập liên hiệp hợp tác xã thì hồ sơ được nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Hợp tác xã có thể gửi hồ sơ thành lập qua địa chỉ thư điện tử của cơ quan thành lập hợp tác xã, tuy nhiên khi đến nhận giấy chứng nhận thành lập phải nộp hồ sơ bằng văn bản để đối chiếu và lưu hồ sơ.

  • Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký yêu cầu người đến làm thủ tục nộp bản sao hợp lệ của giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực.
  • Trong trường hợp được ủy quyền thì phải có các giấy tờ sau: Hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa người thành lập liên hiệp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả; hoặc văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật.

Nếu đủ điều kiện tiếp nhận hồ sơ thì cơ quan tiếp nhận lập Giấy biên nhận (gồm 02 bản), một bản giao cho người nộp hồ sơ, một bản được luân chuyển cùng hồ sơ để giải quyết việc đăng ký kinh doanh.

Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan tiếp nhận nhận hồ sơ hợp lệ.

Trên đây là thông tin cơ bản nhất về mô hình kinh doanh hợp tác xã cũng như hồ sơ đăng kí kinh doanh hợp tác xã. Nếu quý vị còn có thắc mắc hay nhu cầu thành lập hợp tác xã hãy liên hệ với Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục